”CHU TƯỚC” TRONG PHONG THỦY LÀ GÌ?
Chu Tước tức tượng của chòm sao phía nam gồm bảy ngôi Tỉnh, Quỷ, Liễu, Tinh, Trương, Dực, Chẩn, còn được gọi là chu điểu.
Trong “Sử ký – Thiên quan thư” có viết: “cung phía nam là điểu”. Chu, nghĩa là màu đỏ, tức hành Hoả, là tượng ngũ hành của phương nam, nên mới có tên chu điểu. Các chuyên gia địa lý dùng khái niệm này để chỉ về hình thế núi sông phía trước huyệt mộ. Quách Phác trong “Táng kinh” có viết: “phía trước huyệt mộ là Chu Tước, phía sau là Huyền Vũ”.
Chu tước cũng được dùng để chỉ địa hình phía trước dương trạch. Trong “Tam phụ hoàng đồ – Tam: Hán cung” có viết: “Thanh long, Bạch Hổ, Chu Tước, Huyển Vũ là tứ linh trên trời, dùng để sửa chính bốn phương, bậc vua chúa xây dựng cung điện đài gác đều căn cứ vào đấy”.
Các chuyên gia phong thuỷ học nhận định rằng, nếu Chu Tước là núi, cần phải ngay ngắn, nhô cao, hoạt bát thanh tú, chầu bái hữu tình như trong thế nhảy múa. Bởi vậy trong “Táng kinh” có viết: “Chu Tước tung bay,… Chu Tước không múa sẽ bay đi mất”, chú rằng: “Núi phía trước vút cao ngay ngắn, hoạt bát thanh tú, chầu bái hữu tình”; Lại viết: “Núi phía trước quay lưng vô tình, trên ngay dưới lệch, theo nước mà đi, không chịu ôm vòng chầu huyệt, tựa như bay lên mà đi mất”.
Chu Tước nếu là sông ngòi, thuỷ tương ứng với sinh khí trong đất, bởi vậy cũng nên uốn khúc ôm vòng, như trăm quan chầu về vua. Nếu như xiên chéo chảy gấp mà đi, là tượng hung. Trong “Thập tiện” (mười đất hèn) có viết: “thứ hai là Chu Tước tiêu điều”, “thứ bảy là núi bay nước chảy”. Trong “Nhị thập lục phạ” (hai mươi sáu điều kị) có viết: “thuỷ kị chạy ngược”, “thuỷ kị khiên lưu chiếu thẳng”, “thuỷ kị phản cục chảy xiết”, đều nói về ý này.
Về Chu Tước khóc than (Chu Tước bi khấp), Quách Phác trong “Táng kinh” có viết: “Lấy thuỷ làm Chu Tước, suy vượng căn cứ vào hình ứng, kị dòng nước chảy gấp, gọi là “bi khấp” (buồn rầu khóc than)”, chú rằng: “Thuỷ tại điền đường, do vị trí ở phía trước, nên gọi là Chu Tước. Nếu là đầm hồ ao chuôm, trong trẻo sạch sẽ là tốt. Nếu là sông ngòi khe suối, nên uốn lượn là hữu tình.
“Thuỷ tốt đẹp, là dòng nước đặc biệt đến trước huyệt, cực cát. Nhưng nếu chảy xiết xộc đến, tuôn ào ào phẫn nộ, lại là hung. Bởi vậy nên dòng chảy đến cần phải uốn lượn vòng quanh, sâu mà từ tốn mới là hợp phép”.
Trong “Tam Quốc chí – Quản Lộ truyện” có viết, khi Quản Lộ đi qua mộ của Vô Khâu Kiệm, thấy xung quanh đều là tượng Chu Tước khóc than, đoán rằng hậu duệ của ông ta sẽ gặp hoạ diệt tộc, chưa đầy hai năm sau, hậu quả đã ứng nghiệm.
(st)