Bạch Hổ vốn là tượng của bảy ngôi sao phương tây là Khuê, Lâu, Vị, Ngang, Tất, Sâm, Chuỷ. Trong “Lễ ký – Khúc lễ thượng” có viết: “Đi phía trước là Chu Tước, phía sau là Huyền Vũ, trái Thanh Long mà phải Bạch Hổ”. Còn viết rằng: “Nam trước Bắc sau, Đông trái Tây phải, là Chu Tước, Huyền Vũ, Thanh Long, Bạch Hổ, tức tên gọi của các chòm sao tại bốn phương”. Phong thuỷ học dùng khái niệm Bạch Hổ để chỉ hình núi ở bên phải huyệt. Quách Phác trong “Táng kinh” viết rằng: “Kinh có viết, đất có bốn hình thế, khí theo tám phương, bởi vậy bên trái mộ huyệt là Thanh Long, bên phải là Bạch Hổ…”. Bạch Hổ cũng dùng để chỉ con đường lớn phía bên phải của dương trạch. Trong “Dương trạch thập thư” có viết rằng: “Phàm là nhà ở, phía bên phải có con đường chạy dài gọi là Bạch Hổ”.

Phong thuỷ học nhận định rằng, Bạch Hổ cần nằm thấp và phủ phục, hình thế phải nhu thuận hơn Thanh Long, hô ứng với Thanh Long, tạo nên thế trái vòng phải ôm, bao bọc lấy sinh khí của minh đường. Quách Phác trong “Táng kinh” có viết rằng: “Bạch Hổ thuần phục”. Kinh chú rằng: “Minh đường kinh có viết: “Bạch Hổ uốn quanh, núi đất đẹp đẽ, như chiếc sừng nằm, tròn như vòng nhẫn”, có hình thế này là chân thực. Nửa cúi nửa ngửa, đầu ngẩng đuôi giấu, thiếu khuyết thụt lõm, gập eo gãy lưng, hổ có hình này, là tai ương hung hoạ”. Có nghĩa là Bạch Hổ bên huyệt mộ cần phải như vệ sĩ bảo vệ minh chủ, trung thành thuần phục để trợ uy cho chủ. Nếu hung hãn, ngang ngược, là có âm mưu, gây bất lợi cho chủ. Nếu khuyết thiếu sạt lở, tức không có khả năng hộ vệ. Trong “Thập bất táng” (mười đất không nên chôn) có viết: “thứ mười là không chôn trên đầu nhọn long hổ”. Trong “Thập phú” (mười đất giàu) có viết: đất giàu thứ ba là hàng long phục hổ”. Trong “Thập quý” (mười đất sang) có biết: “đất sang thứ bảy là bạch hổ tròn trịa”. Trong “Nhị thập lục yếu” (hai mươi sáu điều cần) có viết: “hổ phải ôm ấp”. Trong “Nhi thập lục phạ” có viết: “hổ kị xuyên vào minh đường”, đều là có ý này.

(st)