23 C
Hanoi
Thứ Sáu, 29 Tháng Ba, 2024
spot_img
Trang chủPhong ThuỷMột số khái niệm về “KHÍ” (Phần 1)

Một số khái niệm về “KHÍ” (Phần 1)

- Advertisement -

Một số khái niệm về “KHÍ” (Phần 1)

Hệ thống nguyên khí:

Là một trong ba tiểu hệ thống của văn hóa thần bí Trung Quốc, bao gồm học thuyết âm dương ngũ hành, lý luận thiên nhân cảm ứng, khí công, Trung y, thuật đoán mệnh, thuật xem tướng, thuật phong thủy, vu thuật, đoán mộng, thiền định của Phật giáo, thuật nội đan của Đạo giáo, thuật dưỡng sinh và tiên thuật. Cơ sở của hệ thống này là nguyên khí, bao gồm khí âm dương ngũ hành. Tùy thời gian, địa điểm, phương vị, môi trường xung quanh khác nhau mà khí âm dương ngũ hành có đặc điểm và qui luật vận hành khác nhau. Ví dụ, hiện nay chứng ta đều biết cơ chế của dưỡng sinh bằng khí công chủ yếu là điều động chân khí trong cơ thể, làm cho nó lưu thông, nhằm đạt mục đích dưỡng sinh; cơ chế trị bệnh bằng ngoại khí chủ yếu là thông qua cảm ứng khí trường mà điều động chân khí trong cơ thể bệnh nhân nhằm đạt mục đích chữa bệnh. Trong khí công, Trung y, khí có địa vị đặc biệt quan trọng; trong các lĩnh vực khác cũng vậy. Ví dụ, việc tìm “long mạch” trong thuật phong thủy thực chất là tìm mạch của địa khí, giống như kinh lạc trong cơ thể người; nguyên tắc chủ yếu của tướng trạch trong thuật phong thủy là tìm vị trí hội tụ đủ sinh khí. Thiền định của Phật giáo, thuật nội đan của Đạo giáo, thuật dưỡng sinh và tiên thuật thực tế đều là khí công, là sự kết hợp hình thức tôn giáo với danh xưng tôn giáo của khí công. Hệ thống nguyên khí lại bao gồm ba tiểu hệ thống là lí luận nguyên khí, khí tự nhiên và khí của sinh mệnh.

Lí luận nguyên khí:

Cơ sở lí luận của văn hóa thần bí Trung Quốc. Chủ yếu gồm hai bộ phận là học thuyết âm dương ngũ hành và lý luận thiên nhân cảm ứng. Học thuyết âm dương ngũ hành cho rằng khí là nguyên tố cơ bản và đặc tính của nó dựa trên quan hệ qua lại giữa các nguyên tố. Cho rằng nguyên khí chủ yếu là chỉ đơn nguyên nhỏ nhất của khí, tức khí đơn nguyên, còn gọi là Thái cực. Trong mỗi một khí đơn nguyên đều có phân ra âm dương. Âm dương là hai loại khí khác nhau về tính chất, lại kết hợp chặt chẽ với nhau, không thể tách rời.

Trong sự vận hành bốn mùa một năm, nguyên khí bộc lộ thuộc tính khác nhau, cổ nhân theo đó chia chúng thành 5 loại hình, tức “ngũ hành” mộc, hỏa, thổ, kim, thủy. Khí ngũ hành sinh ra nhau và chế ước lẫn nhau theo một quy luật nhất định, đó là lí luận ngũ hành tương sinh tương khắc. Khí ngũ hành hàm chứa trong mỗi sự vật là rất khác nhau, nên mới xuất hiện đặc trưng khác nhau của các sự vật, như mùa xuân thì khí mộc thịnh, mùa hạ thì khí hoả thịnh, trưởng hạ thì khí thổ thịnh, mùa thu thì khí kim thịnh, mùa đông thì khí thủy thịnh; trong cơ thể người, khí mộc tụ ở gan, mật, gân, mắt, móng tay, móng chân, khí hoả tụ ở tim, ruột non, mạch máu, lưỡi, mặt, khí thổ tụ ở lá lách, dạ dày, bắp cơ, miệng, môi, khí kim tụ ở phổi, ruột già, da, lông, mũi, khí thủy tụ ở thận, tam tiêu và bàng quang, xương và tủy, tai và nhị âm (lỗ đít, lỗ tiểu), tóc.

Trong mỗi khí đơn nguyên, do kết cấu hai khí âm dương khác nhau, lại biểu hiện ra các chức năng khác nhau. Cổ nhân đã khái quát thành 64 kết cấu khác nhau, đó là 64 quẻ trong “Kinh Dịch”. 64 quẻ là 64 phù hiệu kết cấu nguyên khí. Những phù hiệu này cũng đồng thời biểu thị quan hệ tỉ lệ, vị trí và cách sắp xếp hai khí âm dương.

Trong kết cấu thời gian diễn biến của nguyên khí, cổ nhân đem diễn biến của khí thuần dương chia thành 10 giai đoạn, gọi là “thiên can”; đem diễn biến của khí thuần âm chia thành mười hai giai đoạn, gọi là “địa chi” – do hai khí âm dương của các giai đoạn khác nhau kết hợp mà thành nguyên khí, nên có 60 giai đoạn phát triển, cổ nhân gọi nó là “60 Giáp”. Diễn biến của nguyên khi còn chịu ảnh hưởng quan trọng của môi trường xung quanh, nên cổ nhân khi khảo sát quy luật diễn biến của nguyên khí còn phải đặc biệt chú ý tới ảnh hưởng của thời gian khác nhau, điạ điểm khác nhau, môi trường khác nhau đối với nguyên khí.

Lí luận nguyên khí nói trên rất đáng được nghiên cứu, tìm hiểu. Nó là cơ sở của văn hoá thần bí Trung Quốc, cũng là cơ sở của văn hoá cổ truyền, của triết học cổ đại Trung Quốc, là tiêu chí chủ yếu để phản ánh đặc điểm của văn hoá phương Đông, với ý nghĩa đó, văn hoá phương Đông có thể gọi là “văn hoá khí”, khác với nền “văn hoá vật” của phương Tây xây dựng trên nền tảng vật có thực.

Lý luận nguyên khí cổ đại Trung Quốc có một bộ phận quan trọng là lý luận thiên nhân cảm ứng, trong đó chữ “thiên” là chỉ thế giới tự nhiên. Lý luận thiên nhân cảm ứng cho rằng tự nhiên và con người có cùng bản thể, đó là nguyên khí. Nguyên khí có đặc tính cảm ứng lẫn nhau, nếu dùng khoa học tự nhiên hiện đại làm ví dụ, thì nó giống như sóng điện từ có thể cảm ứng lẫn nhau. Nhưng trong lí luận thiên nhân cảm ứng cổ đại có những yếu tố mê tín phục vụ chế độ xã hội đương thời, che mờ giá trị thực sự của lý luận thiên nhân cảm ứng, nên ta cần phân tích, phê phán.

(Theo Từ điển văn hóa cổ truyền Trung Hoa)

- Advertisement -
Cùng chủ đề
- Advertisement -
- Advertisment -

Bài viết khác

BÌNH LUẬN GẦN ĐÂY