33 C
Hanoi
Thứ Sáu, 26 Tháng Tư, 2024
spot_img
Trang chủPhong ThuỷNguồn gốc, cơ sở và quá trình phát triển của Phong Thủy....

Nguồn gốc, cơ sở và quá trình phát triển của Phong Thủy. (Phần 4)

- Advertisement -

Nguồn gốc, cơ sở và quá trình phát triển của Phong Thủy

1.3.2.1 Y cứ thuyết Phong Thủy Tướng Địa
Thuật Phong Thủy có một nội dung khá rộng lớn so với nhiều môn loại chiêm đoán khác, nó bao gồm cả thiên văn, địa lý và những sinh hoạt trong xã hội. Như vậy loại thuật pháp này phải có khuôn mẫu lý luận để y cứ, nếu không, nhiều nội dung của chúng không thể dung hợp thành một thể được.
Thuật Phong Thủy nhân mạnh sự nhận thức về mối quan giữa ba khái niệm Trời (Thiên), Đất (Địa) và Người (Nhân), loại nhận thức này chính là cơ sở quan niệm cấu tạo nên khuôn mẫu lý luận, chỗ nó y cứ vào chính là vũ trụ quan truyền thống. Như đã nói, chiêm đoán của thuật Phong Thủy về đại thể có thể chia ra làm hai phương pháp lớn là chiêm đoán theo hình thế bên ngoài (thuật ngữ Phong Thủy gọi là Loan Đầu) và chiêm đoán theo phương vị thuật số (Lý Khí), mặc dầu đây là hai môn phái chiêm đoán có phép tắc lý luận riêng, nhưng hai môn phái ấy lại có chung một y cứ lý luận.


1.3.2.2. Ảnh hưởng của vũ trụ quan truyền thống.
Thuật Phong Thủy thông qua nơi cư trú của con người để nhắm tới mục đích chiêm đoán về cuộc sống của con người, vạch ra những điều cấm kị cần tránh để có được một cuộc sống trong hoàn cảnh hài hòa. Lý luận Phong Thủy, phần lớn là thể hiện cụ thể nền văn hóa truyền thống, trong đó vũ trụ quan truyền thống Trung Quốc có đặc trưng lớn là tính trật tự, trật tự này có thể khái quát bằng chữ “sinh” , trong Hệ từ của kinh Dịch có câu: “Dịch hữu thái cực, thị sinh lưỡng nghi, lưỡng nghi sinh tứ tượng, tứ tượng sinh bát quái, bát quái định cát hung. Cát hung sinh đại nghiệp.” (Tạm dịch: Đạo Dịch có Thái cực, sinh ra hai nghi, hai nghi sinh ra bốn tượng, bốn tượng sinh ra tám quẻ, tám quẻ xác định tốt xấu, tốt xấu sinh ra nghiệp lớn.)
Lý luận Dịch vĩ kết hợp Dịch truyện với học thuyết Hoàng Lão thời Ngụy Tấn đã cho ra đời một quan niệm mới về vũ trụ.
Sách “Càn Tạc Độ” viết: “Phù hữu hình sinh ư vô hình, Càn Khôn an tòng sinh? Cổ viết: “Hữu Thái Dịch, hữu Thái Sơ, hữu Thái Thủy, hữu Thái Tố. Thái Dịch giả vị kiến khí dã; Thái Sơ giả khí chi thủy dã; Thái Thủy giả hình chi thuỷ dã; Thái Tố giả chất chi thủy dã. Khí hình chất cụ nhi vị ly, cố viết hồn luân.” (Tạm dịch: Hữu hình sinh ra từ vô hình, vậy Càn Khôn sinh ra từ đâu? Cho nên nói: có Thái Dịch, có Thái Sơ, có Thái Thuỷ, có Thái Tố. Thái Dịch là khí chưa thấy hình; Thái Sơ là sự bắt đầu của khí; Thái Thủy là sự bắt đầu của hình; Thái Tố là sự bắt đầu của chất. Hình, khí, chất đầy đủ mà không tách rời nhau nên gọi là Hồn Luân.)
Hồn Luân chính là hình thái vũ trụ mà Lão tử gọi là “hữu vô hỗn thành” (có và không kết hợp hỗn độn mà thành) và cùng là đặc trưng hình thái ở giai đoạn trước khi hình thành vũ trụ, Thuyết vạn vật vũ trụ sinh sản nuôi dưỡng diễn biến không ngừng có một ảnh hưởng rất lớn đến sự hình thành lý luận chiêm đoán Phong Thủy ở chỗ:
– Vì vạn vật có mối quan hệ tương tác, do đó có thể suy rộng ra thành quan điểm về cách chọn lựa nơi ở, trong đó có bao hàm những kinh nghiệm vừa có thể giải thích, vừa không thể giải thích bằng hiểu biết thông thường. Chẳng hạn ngoài việc nghiên cứu các nguyên tố liên quan trực tiếp như địa hình, hoàn cảnh khách quan chung quanh, trong lý luận Phong Thủy còn xét cả nhừng phương diện như tinh tú, long mạch, v.v…
– Thuật Phong Thủy chiêm đoán tốt xấu cho nhà ở vì “cát hung sinh đại nghiệp”, mà tốt xấu lại do bát quái (tám quẻ) xác định, do vậy thuật Phong Thủy rất chú trọng bát quái. Đồng thời là vì “Bát quái” sinh ra do “Tứ tượng”, “Tứ tượng” diễn biến từ “Lưỡng nghi”, mà “Lưỡng nghi” chính là Âm Dương của trời đất, do đó lý luận Phong Thủy trước tiên chia đối tượng chiêm đoán thành hai loại Âm và Dương, nghĩa là chia hình thế đất đai thành ra hai loại thuộc tính Âm Dương rồi chiêm đoán theo “Long thượng bát sát”. (Long ở trong tám thần sát.) Chính điều này đã làm cho thuật Phong Thủy biến thành phức tạp. Lý luận Phong Thủy trong bất cứ môn phái nào cũng đều có nguyên tắc “Lai long khứ mạch” (Long đến mạch đi) và đều y cứ vào thuyết sinh sôi nuôi dưỡng diễn biến vô cùng của vũ trụ quan truyền thống.
Chương mở đầu của sách “Cửu Thiên Huyền Nữ Thanh Nang Hải Giác kinh” đưa ra đồ hình “Thái vô thủy khí”, “Thái hữu trung khí”, “Thái vô chung khí”. Tuy thuyết này không hoàn toàn giống thuyết vũ trụ của Dịch Vĩ, nhưng nó vẫn biểu hiện mối quan hệ tương sinh của “Khí” trong ba giai đoạn mở đầu, giữa và cuối cùng của sự vật. Trong đó hình đồ giải thích “Hữu vô chung khí” có câu “Hữu vô tương sinh, vạn vật hoá thành” (Tạm dịch: “Có” và “không” sinh lẫn nhau nên vạn vật biến hóa mà thành.) Xét theo thuyết “Thái cực sinh lưỡng nghi” đại khái thì “Chung khí” tương đương với giai đoạn Thái cực.
Khái niệm vạn vật tương sinh tương tác và lý luận Phong Thủy về việc “tầm long tróc mạch” cùng có quan hê mật thiết. Bàn về sự vật người ta thường bàn tới nguồn gốc, trời đất có nguồn gốc, sơn.

1.4. Thuật Phong Thủy thời Tùy Đường.
Thuật Phong Thủy trong truyền thống văn hóa Trung Quốc tới thời Tùy Đường đã hoàn chỉnh hệ thống, nó thâu gồm nhiều môn loại lý luận và nội dung của các phép chiêm đoán đã có trước đó, từ đó lập nên một khuôn phép riêng cho mình. Điều ngày nay chúng ta gọi là Phong Thủy, đứng về mặt chỉnh thể có thể nói là nhờ vào thời kỳ này mà thành thục.
Ở thời đại Tùy Đường, người ta xem trọng và trùng tân lý luận Kham Dư đời Hán, trong cách chiêm đoán mồ mả và nhà ở (tức Âm trạch và Dương Trạch) không chỉ có thuật số phương vị, mà còn có lý luận Hình Pháp Tướng Địa; trong môn Dương Trạch có thuyết Âm Dương Ngũ Hành, trong Táng thuật cũng có thuyết Âm Dương Ngũ Hành. Đương thời thư tịch về lĩnh vực này xuất hiện khá nhiều, nhưng không thiên về một khuynh hướng nào như các thời đại trước, đây chính là đặc trưng của thuật Phong Thủy thời kỳ này.
Đời Đường có rất nhiều nhà sư biết thuật Phong Thủy, trong số đó Tư Mã Đầu Đà là người khá nổi tiếng, tương truyền ông vân du nhiều nơi, từng đi qua hơn 170 ngọn núi, về sau phát hiện ở Hồ Nam một ngọn núi kết long mạch, bèn xây chủa Đồng Khánh ở đó.
Triều đình nhà Đường lập ra Thiên Giám ty, các quan viên làm việc ở Thiên Giám ty đều tinh thông Phong Thủy. Dương Quân Tùng, một nhà Phong Thủy trứ danh được tôn làm tổ sư của Hình phái, cũng từng làm quan ở Thiên Giám ty, sau đó ông từ quan về Giang Tây mở trường dạy học, hình thành trường phái Phong Thủy Loan Đầu ở Giang Tây. Tương truyền ông tên là ích, tự là Thúc Mậu, Quân Tùng là hiệu. Ông được người đương thời tôn xưng là Cứu Bần tiên sinh (ông thầy cứu nghèo, vì những người được ông xem Phong Thủy đều phát đạt lên).
Từ đời Đường trở về sau, thuật Phong Thủy bắt đầu chia ra phái hệ rõ rệt. Một phái xem trọng hình thế, hình pháp, thế núi; hoạt động mạnh ở vùng Giang Tây. Một phái xem trọng lý khí, phương vị; hoạt động mạnh ở Phúc Kiến.
Thật ra về lý thuyết thì hai phái gần như không thể tách biệt nhau hẳn, Hình phái cũng bàn về phương vị, Lý phái cũng phối hợp hình thế, chỉ có điều điểm mà họ nhấn mạnh lại khác nhau. Có một số nhà Phong Thủy chủ trương dung hợp lý thuyết hai phái để ứng dụng. Tuy vậy, Hình phái lưu truyền rộng rãi trong dân gian hơn, vì dễ hiểu và ít có điều cấm kị. Còn phái Lý Khí càng lúc càng bí truyền, họ chủ trương chỉ truyền khẩu quyết trực tiếp cho một số đệ tử được chọn lọc mà thôi.

1.5. Thuật Phong Thủy thời Tống Nguyên
Môn Phong Thủy từ đời Tống, đời Nguyên trở về sau cơ bản vẫn tuân thủ trạng thái cũ, về chiêm pháp không có sáng tạo mới. Nhưng đứng ở góc độ cục bộ mà nói, do ảnh hưởng một số triết gia phái Tượng Số học nên thuật Phong Thủy ở thời kỳ này có một số phép tắc cá biệt như các thuyết thứ tự của bát quái, phương vị của bát quái, Hà Đồ Lạc Thư và các thần sát v.v…
Ngoài ra còn hai điều đáng lưu ý: Một là, người ta rất chú trọng nhà ở và ít đề cập đến Âm trạch hơn thời kỳ trước; hai là, có một số ghi chép về thuật Phong Thủy lại do chính những nhà Nho nghiêm túc viết như Cao Tự Tôn, Hồng Mại, Viên Thái, v.v…
Danh sư Phong Thủy thời kỳ này phải kể đến Lại Văn Tuấn, tự là Thái Tố. Tiểu sử của ông mang nhiều huyền thoại rất khó khảo cứu. Tương truyền ông rất tinh thông thuật Tướng Địa, từng làm quan ở huyện Kiên Dương, tỉnh Phúc Kiến; sau đó từ quan rồi chu du khắp nơi, hành trang chỉ có một bầu rượu giắt lưng, tự cho mình có trọng trách tầm long điểm huyệt để cứu nhân độ thế. Ông thường tự xưng là Bố Y tử (kẻ áo vải), người đời tôn xưng ông là “Tiên Tri sơn nhân” hoặc gọi ông là Lại Bố Y tiên sinh .


1.6. Thuật Phong Thủy thời Minh Thanh.
Vào thời Minh Thanh, thuật Phong Thủy không những rất thịnh hành trong dân gian mà ngay cả giới Nho sỹ cũng ưa chuộng. Trong thời kỳ này có nhiều công trình ghi chép thực tế về Phong Thủy liên quan tới hoàn cảnh địa lý của đất nước Trung Quốc.
Trong số các đại sư Phong Thủy thời kỳ này, người ta phải kể tới Lưu Cơ. Ông tự là Bá Ôn, người Thanh Điền (nay thuộc tỉnh Triết Giang), đỗ tiến sỹ năm Nguyên Thống đời Nguyên, về sau Chu Nguyên Chương khởi binh, ông theo phò tá và được trọng dụng. Khi triều đại nhà Minh thành lập, ông là người tham dự mọi công việc chế định khoa cử, luật pháp và lễ nghi. Tuy “Minh Sử” không có ghi chép gì về thuật Phong Thủy của ông, nhưng trong dân gian truyền tụng rất nhiều giai thoại về việc ông liên quan tới thuật Phong Thủy. Trong giới Phong Thủy gia, Lưu Cơ được xem là bậc thầy, là một người để lại dâu ấn khá sâu đậm trong lịch sử môn Phong Thủy.
Càng về sau, môn Phong Thủy càng được ứng dụng phổ cập trong dân gian, nội dung chiêm đoán càng lúc càng dung tục. Trong cách chiêm đoán Âm trạch và Dương Trạch, các thuyết như Bát Quái, Cửu Tinh, và Chiêm Mệnh Ngũ Tinh đều được phối hợp thật phức tạp.
Đến cuối đời Thanh, bộ “Thẩm thị Huyền Không học” do Thẩm Trúc Nhưng trứ tác, được xem là tập đại thành và đặt dấu chấm hết cho thời kỳ bí truyền của phái lý khí.

 

ST

- Advertisement -
Cùng chủ đề
- Advertisement -
- Advertisment -

Bài viết khác

BÌNH LUẬN GẦN ĐÂY