Bàn chút về Thất sát :Có 2 thế đứng (cách) liên quan đến Thất Sát,
– Thất Sát triều Đẩu
– Thất Sát ngưỡng Đẩu
Như thế nào là Thất Sát triều đẩu? như thế nào là Thất Sát ngưỡng Đẩu?
Hai câu trên đều nói về Thất Sát, còn có tên khác là :
– Phủ Sát triều Đẩu
– Phủ Sát ngưỡng Đẩu
Vì Thất Sát luôn đối cung với Thiên Phủ, nên có thể dùng cả hai cách gọi trên đều đúng.
Cả hai cách đều dùng để chỉ Thất Sát khi đóng ở vị trí Tí-Ngọ. Chẳng qua nó chỉ là chuyện câu chữ thôi, vì trong Thiên Văn học, phương Bắc là phương vị của sao Bắc Cực, và ở Bắc phương có chòm sao Bắc Đẩu (gồm 7 ngôi), mà người ta thường gọi nó là ĐẨU, ĐẨU tức là chòm sao Bắc Đẩu, hoặc bóng gió thì dùng để chỉ phương Bắc, vì trung thiên Bắc cực là nơi Tử vi cung đóng ở đó.
Chữ NGƯỠNG tức là ngửa mặt lên để xem xét, nhìn ngắm. Cho nên cách THẤT SÁT NGƯỠNG ĐẨU là thường dùng khi thất sát đứng ở phương Nam (cung Ly) mà nhìn về phương Bắc, tức là đứng tại Ngọ, nhìn về Tí.
Còn chữ TRIỀU tức là tập trung vào, chầu vào, trong Tử vi chữ Triều được dùng trong trường hợp có 1 sao hoặc 1 nhóm sao hội hợp trong tam phương tứ chính, thì được gọi là Triều. Vì thế, trường hợp Thất Sát đóng tại chính BẮC CUNG thì được gọi là THẤT SÁT TRIỀU ĐẨU. Chính là trường hợp Thất sát cư Tí.
Luận tử vi, quan trọng nhất là cái sự Miếu hãm, còn vì sao là miếu, vì sao là hãm thì vẫn còn trong vòng bí ẩn. Đối với Thất Sát, Miếu ở Dần Thân Tí Ngọ, cổ nhân dựa trên tiêu chí này để đánh giá cát hung cho Thất Sát.
Trong các quan điểm về Thất Sát, cụ Vũ Tài Lục có xu hướng thiên về luận Ngũ Hành sinh khắc, vốn dĩ là căn bản của môn Tử Bình. Do vậy mới suy ra như thế. Các danh sư đời trước không viết như vậy. Theo sự giải thích của cổ thư, Chữ TRIỀU đã nói là hội hợp trong TAM PHƯƠNG TƯ CHÍNH. Tức là bao gồm cả Dần Thân, tuy nhiên Thất Sát Dần Thân được coi là Bàng cách, cư Tí là chính cách.
Trong các câu phú về Thất sát có nói :
Thất sát triều đẩu, nhập Tướng ư phủ môn – Nhập cách thất sát triều đẩu có thể làm Tướng trong phủ.Kể cũng là tốt, bởi Thất Sát là lệnh tinh, nhập tướng là đỉnh cao rồi. Vả lại, tốt hay xấu còn phụ thuộc vào trợ tinh, tá tinh nữa. Trong Đẩu Số Toàn thư viết :
Thất sát Dần Thân Tí Ngọ cung
Tứ di củng thủ phục anh hùng
Khôi Việt Tả Hữu Văn xương hội
Quyền lộc danh cao, thực vạn chung
(Thất sát cư cung Dần – Thân – Tí – Ngọ thì bốn phương đều chắp tay phục là kẻ anh hùng, nếu được Khôi Việt Tả Hữu Văn xương hội hợp, ắt sẽ là kẻ quyền cao chức trọng, giầu có vạn chung)
Như vậy, cổ nhân không cho rằng Thất Sát cư Tí là xấu. Nếu xét trong Ngũ hành, thì khó lý giải, bởi lẽ Thất sát hành Kim (chứ không phải Hỏa Kim như cụ Vũ Tài Lục nói), cư cung Tí thuộc thủy, vẫn là sinh xuất, có hao tổn nhưng không thể gọi là xấu. Trường hợp tại Dần thuộc Mộc => Sao khắc cung, Thất Sát cũng không bị tổn thương, chỉ gây khó nhọc. Thất sát cư cung Thân, thuộc Kim => bình hòa, cũng không bị tổn thương. Do vậy, cái lý thuyết Miếu hãm, không thể trộn với lý thuyết Sinh Khắc của Ngũ hành được. Việc Ngũ hành chế hóa, là trên phương diện khác, trên diễn đàn tôi đã có viết, tìm đọc thêm sẽ rõ.