24 C
Hanoi
Thứ Năm, 28 Tháng Ba, 2024
spot_img
Trang chủ Blog Trang 5

Hướng dẫn sử dụng phần mềm An La Kinh

0

1 – Truy cập vào phần mềm an la kinh

Phong Thủy Thăng Long cung cấp phần mềm an La Kinh miễn phí và đẩy đủ nhất hiện tại , sử dụng trực tiếp trên giao diện web . Chúng tôi khuyến cáo người dùng sử dụng trên Laptop hoặc PC để thuận tiện hơn trong việc đo đạc và tra cứu. Đường dẫn web được cung cấp tại:

2 – Sử dụng

2.1 – Tải bản vẽ công trình
  • Bạn click / nhấn chuột vào Brower và chọn ảnh trên máy của mình .
  • Sau khi chọn tải ảnh xong nhấn chuột vào Gửi để ảnh được tải lên server .

2.2 – Điền các thông tin cho La Kinh.

A – Thông tin gia chủ

Họ và Tên : Tên của gia chủ.

Giới tính : Nam hoặc Nữ

Năm sinh: Năm sinh của trạch chủ.

 B – Thời Vận

Năm xây dựng : là năm công trình được xây . Nên đưa đầy đủ thông tin

Năm luận đoán : Năm muốn luận đoán sự việc cát hung của công trình.

Hiển thị hình nền : Là độ mờ của ảnh công trình sau khi an la kinh lên. Số càng cao hình bản vẽ công trình càng mờ.

C – Thông tin công trình.

Chọn Tâm : Bạn nhấn chuột vào hình tròn. Ảnh phía dưới sẽ mờ đi bạn kéo chuột xuống phía dưới ảnh và chọn điểm làm tâm của công trình

Chọn điểm định hướng: Bạn nhấn chuột vào hình tròn. Ảnh phía dưới sẽ mờ đi bạn kéo chuột xuống phía dưới ảnh và chọn điểm làm hướng của công trình

Hướng công trình: Là số dương, độ lệch so với chính Bắc . Không được dùng số Âm để đưa vào hướng công trình

D – Vẽ vòng la kinh

Đây là các vòng la kinh sẽ được vẽ lên la kinh

E – An la kinh

Là động tác nhấn chuột để server thực hiện tính toán và đưa bản vẽ

F – Hình dạng của bản vẽ

Bản sẽ xuất ra sẽ là 01 file ảnh chứa đầy đủ thông tin tính toán cho La Kinh ứng với từng công trình. Ngoài ra phía dưới còn lược giải theo các trường phái phong thủy khác nhau.

 

Nếu phần mềm có thiếu sót hay cần thêm tính năng , hãy cho chúng tôi biết để hoàn thiện hơn. Chung tay vì một cộng đồng huyền học vững mạnh.

Kính

Một số khái niệm về “KHÍ” (Phần 1)

0

Một số khái niệm về “KHÍ” (Phần 1)

Hệ thống nguyên khí:

Là một trong ba tiểu hệ thống của văn hóa thần bí Trung Quốc, bao gồm học thuyết âm dương ngũ hành, lý luận thiên nhân cảm ứng, khí công, Trung y, thuật đoán mệnh, thuật xem tướng, thuật phong thủy, vu thuật, đoán mộng, thiền định của Phật giáo, thuật nội đan của Đạo giáo, thuật dưỡng sinh và tiên thuật. Cơ sở của hệ thống này là nguyên khí, bao gồm khí âm dương ngũ hành. Tùy thời gian, địa điểm, phương vị, môi trường xung quanh khác nhau mà khí âm dương ngũ hành có đặc điểm và qui luật vận hành khác nhau. Ví dụ, hiện nay chứng ta đều biết cơ chế của dưỡng sinh bằng khí công chủ yếu là điều động chân khí trong cơ thể, làm cho nó lưu thông, nhằm đạt mục đích dưỡng sinh; cơ chế trị bệnh bằng ngoại khí chủ yếu là thông qua cảm ứng khí trường mà điều động chân khí trong cơ thể bệnh nhân nhằm đạt mục đích chữa bệnh. Trong khí công, Trung y, khí có địa vị đặc biệt quan trọng; trong các lĩnh vực khác cũng vậy. Ví dụ, việc tìm “long mạch” trong thuật phong thủy thực chất là tìm mạch của địa khí, giống như kinh lạc trong cơ thể người; nguyên tắc chủ yếu của tướng trạch trong thuật phong thủy là tìm vị trí hội tụ đủ sinh khí. Thiền định của Phật giáo, thuật nội đan của Đạo giáo, thuật dưỡng sinh và tiên thuật thực tế đều là khí công, là sự kết hợp hình thức tôn giáo với danh xưng tôn giáo của khí công. Hệ thống nguyên khí lại bao gồm ba tiểu hệ thống là lí luận nguyên khí, khí tự nhiên và khí của sinh mệnh.

Lí luận nguyên khí:

Cơ sở lí luận của văn hóa thần bí Trung Quốc. Chủ yếu gồm hai bộ phận là học thuyết âm dương ngũ hành và lý luận thiên nhân cảm ứng. Học thuyết âm dương ngũ hành cho rằng khí là nguyên tố cơ bản và đặc tính của nó dựa trên quan hệ qua lại giữa các nguyên tố. Cho rằng nguyên khí chủ yếu là chỉ đơn nguyên nhỏ nhất của khí, tức khí đơn nguyên, còn gọi là Thái cực. Trong mỗi một khí đơn nguyên đều có phân ra âm dương. Âm dương là hai loại khí khác nhau về tính chất, lại kết hợp chặt chẽ với nhau, không thể tách rời.

Trong sự vận hành bốn mùa một năm, nguyên khí bộc lộ thuộc tính khác nhau, cổ nhân theo đó chia chúng thành 5 loại hình, tức “ngũ hành” mộc, hỏa, thổ, kim, thủy. Khí ngũ hành sinh ra nhau và chế ước lẫn nhau theo một quy luật nhất định, đó là lí luận ngũ hành tương sinh tương khắc. Khí ngũ hành hàm chứa trong mỗi sự vật là rất khác nhau, nên mới xuất hiện đặc trưng khác nhau của các sự vật, như mùa xuân thì khí mộc thịnh, mùa hạ thì khí hoả thịnh, trưởng hạ thì khí thổ thịnh, mùa thu thì khí kim thịnh, mùa đông thì khí thủy thịnh; trong cơ thể người, khí mộc tụ ở gan, mật, gân, mắt, móng tay, móng chân, khí hoả tụ ở tim, ruột non, mạch máu, lưỡi, mặt, khí thổ tụ ở lá lách, dạ dày, bắp cơ, miệng, môi, khí kim tụ ở phổi, ruột già, da, lông, mũi, khí thủy tụ ở thận, tam tiêu và bàng quang, xương và tủy, tai và nhị âm (lỗ đít, lỗ tiểu), tóc.

Trong mỗi khí đơn nguyên, do kết cấu hai khí âm dương khác nhau, lại biểu hiện ra các chức năng khác nhau. Cổ nhân đã khái quát thành 64 kết cấu khác nhau, đó là 64 quẻ trong “Kinh Dịch”. 64 quẻ là 64 phù hiệu kết cấu nguyên khí. Những phù hiệu này cũng đồng thời biểu thị quan hệ tỉ lệ, vị trí và cách sắp xếp hai khí âm dương.

Trong kết cấu thời gian diễn biến của nguyên khí, cổ nhân đem diễn biến của khí thuần dương chia thành 10 giai đoạn, gọi là “thiên can”; đem diễn biến của khí thuần âm chia thành mười hai giai đoạn, gọi là “địa chi” – do hai khí âm dương của các giai đoạn khác nhau kết hợp mà thành nguyên khí, nên có 60 giai đoạn phát triển, cổ nhân gọi nó là “60 Giáp”. Diễn biến của nguyên khi còn chịu ảnh hưởng quan trọng của môi trường xung quanh, nên cổ nhân khi khảo sát quy luật diễn biến của nguyên khí còn phải đặc biệt chú ý tới ảnh hưởng của thời gian khác nhau, điạ điểm khác nhau, môi trường khác nhau đối với nguyên khí.

Lí luận nguyên khí nói trên rất đáng được nghiên cứu, tìm hiểu. Nó là cơ sở của văn hoá thần bí Trung Quốc, cũng là cơ sở của văn hoá cổ truyền, của triết học cổ đại Trung Quốc, là tiêu chí chủ yếu để phản ánh đặc điểm của văn hoá phương Đông, với ý nghĩa đó, văn hoá phương Đông có thể gọi là “văn hoá khí”, khác với nền “văn hoá vật” của phương Tây xây dựng trên nền tảng vật có thực.

Lý luận nguyên khí cổ đại Trung Quốc có một bộ phận quan trọng là lý luận thiên nhân cảm ứng, trong đó chữ “thiên” là chỉ thế giới tự nhiên. Lý luận thiên nhân cảm ứng cho rằng tự nhiên và con người có cùng bản thể, đó là nguyên khí. Nguyên khí có đặc tính cảm ứng lẫn nhau, nếu dùng khoa học tự nhiên hiện đại làm ví dụ, thì nó giống như sóng điện từ có thể cảm ứng lẫn nhau. Nhưng trong lí luận thiên nhân cảm ứng cổ đại có những yếu tố mê tín phục vụ chế độ xã hội đương thời, che mờ giá trị thực sự của lý luận thiên nhân cảm ứng, nên ta cần phân tích, phê phán.

(Theo Từ điển văn hóa cổ truyền Trung Hoa)

Một số khái niệm về “KHÍ” (Phần 2)

0

Một số khái niệm về “KHÍ” (Phần 2)

Khí:

Một phạm trù cơ bản của văn hóa thần bí Trung Quốc. Cũng là một phạm trù cơ bản của triết học cổ đại Trung Quốc. Chỉ cơ sở vật chất hình thành vạn vật. Bao hàm hai ý nghĩa: thứ nhất, chỉ “vật có thực vô cùng nhỏ bé”, như Trương Tải thời Bắc Tống viết: “Thái hư không thể không có khí, khí khồng thể không tụ mà thành vạn vật, vạn vật không thể không tán mà thành Thái hư” (Chính mông. Thái Hòa thiên). Thứ hai, chỉ khí mang tính chức năng, nó không có chất lượng, không có tính dài rộng. Khí được nói trong văn hóa thần bí Trung Quốc cổ đại chủ yếu là mang ý nghĩa thứ hai, như Bá Dương Phụ cuối thời Tây Chu viết: “Khí trời đất không hề mất trật tự dương tiềm phục mà không thể xuất, âm bị ép mà không thể bốc hơi, cho nên có địa chấn (động đất)” (Quốc ngữ. Chu ngữ thượng). Vương Sung thời Đông Hán viết: “Trời đất hợp khí, vạn vật tự sinh” (Luận hành.Tự nhiên). Thời cổ đại có người gọi thứ khí này là “khí”. Căn cứ vào sự khác nhau về vị trí và tác dụng, khí chia ra các loại như tinh khí, chân khí, thanh khí, trọc khí, doanh khí, vệ khí, khí kinh lạc, ngoại khí do đại sư khí công phát ra, khí âm dương, khí ngũ hành.

Nguyên khí:

Một phạm trù cơ bản của văn hóa thần bí Trung Quốc. Cũng là một phạm trù cơ bản của triết học cổ đại Trung Quốc.

1) Chỉ hình thái nguyên thủy của khí, không có qui tắc, không có trật tự, là một trạng thái hỗn độn.

2) Chỉ đơn nguyên nhỏ nhất của khí, tức là khí đơn nguyên. Cổ nhân cho rằng nguyên khí là nguồn gốc đầu tiên của vạn vật, vạn vật đều do nguyên khí hợp thành. Vương Sung trong Luận hành. Đàm thiên trích dẫn câu của Chu Dịch “Khi nguyên khí chưa phân, hỗn độn một thể”, lại viết “vừa kịp phân ly, cái thanh là trời, cái trọc là đất”; người cũng nhờ nguyên khí mà có sinh mệnh hình thể. Như vậy, nguyên khí vừa là nguồn gốc ban đầu của vũ trụ, vừa là bản thể của vạn vật. Văn hóa thần bí Trung Quốc dùng phương pháp dự đoán của Kinh Dịch để dự đoán tương lai, cơ sở lí luận của việc đó là tính thống nhất của khí trong thế giới vật chất. Diễn biến của nguyên khí có qui luật nhất định, nếu nắm chắc qui luật ấy thì có thể dự đoán tương lai. Đương nhiên đây là quan điểm của cổ nhân.

Tinh khí:

Một phạm trù cơ bản của triết học cổ đại Trung Quốc. Chỉ bộ phận tinh tế nhất trong nguyên khí. Nhờ có được tinh khí của giới tự nhiên, nên con người khác với vạn vật, là cái “linh” của vạn vật. Chương 21, Lão Tử viết : “Đạo là vật, tuy chập chờn, yếu ớt, tối tăm, nhưng trong có tinh”. Quản Tử, Nội sinh cho rằng mọi vật đều có tinh, vật có được tinh ắt sống; tinh ở người lá khí, nên mới gọi là tinh khí, “tinh là tinh của khí vậy” .

Bẩm khí thuyết:

Một quan điểm của triết học cổ đại Trung Quốc. Cho rằng người do khí trời đất sinh ra, khí trời đất có thanh có trọc, cho nên loài người có thánh hiền, có ngu dại. Người có khí thanh là thánh là hiền, người có khí trọc là ngu là ác. Nhà lí học Tông Minh gọi cái đó là “tính của khí chất” thần bí, tức là do phẩm chất khác nhau của khí bẩm sinh mà tính khí mỗi người một khác. Trong văn hóa thần bí Trung Quốc, thuật dự đoán vận mệnh đời người căn cứ vào can chi của năm tháng ngày giờ sinh (gọi tắt là Bát tự), có quan hệ nhất định với thuyết bẩm khí. Nhưng việc học thuyết này giới hạn mối quan hệ giữa đời người với khí chỉ về mặt thời gian ra đời, mà coi nhẹ khí của cha mẹ, khí ở các vùng khác nhau, đặc biệt chỉ chú trọng vai trò quyết định của thời gian ra đời đối với số mệnh con người như một yếu tố nhất thành bất biến, là một sai lầm nghiêm trọng về lí luận, vì vậy dùng thuật Bát tự để dự đoán vận mệnh đời người sẽ không chuẩn xác. Thời xưa đã có người đưa ra những ví dụ thực tế về số mệnh khác nhau của những người có Bát tự giống nhau, để chứng minh sai lầm của thuật đoán mệnh nói trên.

(Theo Từ điển văn hóa cổ truyền Trung Hoa)

“HÌNH – THẾ” TRONG PHONG THỦY HỌC CHỈ ĐIỂU GÌ?

0

“HÌNH – THẾ” TRONG PHONG THỦY HỌC CHỈ ĐIỂU GÌ?

“Hình thế” chỉ thể thái và hình dạng của nơi kết huyệt và long mạch. Trong phong thuỷ gọi núi đến từ xa là thế, núi ở nơi gần là hình, trước tiên bàn về thế sau bàn về hình, hình là do thế quyết định. Trong “Táng thư – Nội thiên” có ghi: “Thượng địa chi sơn, nhấp nhô liền dải, là đến từ trời. Như sóng nước, như ngựa phi, thế đến như bay, như long như loan khi cao lên lúc trũng xuống, như đại bàng bổ xuống, như con thú quỳ, vạn vật đều tuân theo”. “Thượng địa chi sơn” là núi nơi mai táng. Đặc điểm của nơi này là: Núi non nhấp nhô trùng điệp như từ trên trời kéo xuống, như vạn mã phóng bay, hình thành thế lai long, khí thế hùng vĩ”. Các nhà Phong thủy học lại cho rằng: Thế lai long lại uốn lượn uyển chuyển, rất tốt cho sự hình thành sinh khí lớn.

Vì vậy, trong “Táng thư – Nội thiên” lại có đoạn viết: “Địa thế nguyên mạch, sơn thế nguyên cốt, uốn lượn Đông Tây hoặc là Bắc Nam, ngàn thước là thế, trăm thước là hình. Thế đến hình dừng, là nơi toàn khí. Đất toàn khí rất phù hợp sử dụng làm nơi an táng”. Bên dưới phần này lại có thêm đoạn ghi chú: “Nghìn thước nghĩa là ở rất xa, chỉ thế đến của một ngọn núi. Trăm thước nghĩa là ở gần, chỉ sự thành hình của huyệt trên đất”. Mục đích chủ yếu của việc lựa chọn huyệt mộ là để khi an táng người chết xong sẽ có được rất nhiều sinh khí, mà sinh khí lại vô hình, rất khó thấy nên chỉ sau khi khảo sát hình rồi thì mới có được sinh khí. Sách “Táng thư” của Quách Phác có đoạn viết: “Sinh khí vận hành khắp trong trời đất. Khí di chuyển được cũng là do thế, khí tụ lại cũng là do thế”. Vì vậy, dù sự tụ tập thăng trầm của sinh khí là như thế nào, dù sinh khí bay về hướng Đông, chạy sang hướng Tây, đi về hướng Nam hay ngược về hướng Bắc thì khi bắt đầu tìm sinh khí đều cần phải có thế. Có thế rồi mới có sự đến và đi của khí. Chính vì hình sắc của núi mà sinh khí được sinh ra nên có thể kết luận rằng: Hình chính là hình thái bên ngoài của khí.

Trong cuốn “Nan giải 24 thiên” của Mậu Hy Ung có đoạn viết: “Khí ẩn nên khó thấy, hình hiện và dễ thấy”. Sách “Táng kinh” nhận định: “Hình dừng khí tích tụ, hóa sinh vạn vật ở trên mặt đất”. Vì vậy, trong công cuộc khảo sát và tìm kiếm thế đẹp, có thể coi hình chính là điểm mấu chốt vô cùng quan trọng khi vọng khí tìm huyệt. Trong cuốn “Nghi long kinh”, bậc thầy của trường phái Phong thủy Hình thế là Dương Quân Tùng cũng đã từng nhận định: Khi nhập huyệt phải quan sát thật kỹ hình thế. Nếu hình thế là chân thực thì việc nhập huyệt sẽ dễ dàng hơn. Ngược lại, nếu không nhận biết được rõ ràng về hình thì việc tìm huyệt tốt sẽ trở nên rất khó khăn.

Hình và thế là hai khái niệm gắn bó không thể tách rời trong Phong thủy học. Trong táng pháp, việc nghiên cứu cẩn thận, cặn kẽ và tỉ mỉ về sự phối hợp, chi phối lẫn nhau giữa hình và khí là vô cùng quan trọng. Thế đến thì hình phải dừng. Nếu thế đến nhưng hình không dừng thì như vậy là “quá sơn vô tình” và khí sẽ không thể tụ lại nơi này. Hình tốt là phải có thế đến. Nếu Long mạch đến không vượng thì Huyệt đó có thể coi là “không huyệt”. Trong sách “Táng thư” có đoạn viết: “Thế và hình đều thuận là cát, thế và hình ngược nhau là hung. Nếu thế cát mà hình hung thì trong trăm điều phúc chỉ nên hy vọng lấy một điều; nếu thế hung hình cát thì tai họa sẽ không quay vòng liên miên”. Cũng có một số nhận định cho rằng: Thuật Phong thủy đời Tần Hán chuyên luận về hình thế, thuật Phong thủy đời Đường Tống lại chuyên luận về Tinh thần.

(st)

Các nhà phong thủy chia “hình” thành những bộ phận nào

0

Các nhà phong thủy chia “hình” thành những bộ phận nào

Từ “Hình” thường được nhắc đến trong Phong thủy chính là hình dạng của núi nơi kết huyệt. Hình là bộ phận quan trọng, mấu chốt nhất để giúp khí tụ. Sinh khí phải nhờ có “Thế” thì mới có thể chuyển động và vì có “Hình” mà  khí dừng lại. Sách “Táng kinh” có đoạn viết: “Hình dừng khí tích tụ, hóa sinh vạn vật ở trên mặt đất”. Vì vậy, có thể khẳng định rằng, “hình” chính là sự tổng kết đối với “thế”. Nếu không có “hình” tốt thì “thế” sẽ không thể khiến khí dừng và ngưng tụ được và người chết sau khi được an táng cũng sẽ không có chỗ để dựa dẫm, bấu víu. “Hình” có sự phân chia rõ ràng thành to nhỏ, cao thấp, béo gầy, cúi đầu và ngẩng đầu, chính và nghiêng,… Xét về đại thể, các nhà Phong thủy chia “hình” thành 6 dạng cơ bản là tròn, dẹt, thẳng, gấp khúc, vuông và lõm. Những yêu cầu cơ bản đốì vối “hình” là:

Yêu cầu thứ nhất: Hình phải dừng. Nếu “hình” không dừng mà tiếp tục di chuyển thì “thế” sẽ không thể trụ lại và khí không thể tụ lại được. Sách “Quản thị địa lý chỉ mông” có đoạn viết: “Hình tất phải dừng. Chỉ khi hình dừng thì khí mới tụ và thế mới có chỗ để trụ vững”.

Điều kiện thứ hai: Hình phải ở dạng tiềm tàng, tiềm ẩn bởi nếu “hình” lộ hoàn toàn ra ngoài thì sinh khí sẽ bị tiêu tán hết vào trong gió. Sách “Quản thị địa chỉ chỉ mông” có đoạn viết: “Hình dứt khoát không được lộ, nếu “hình” lộ thì tất cả sinh khí sẽ bị thổi hết lên những đỉnh núi cao”.

Điều kiện thứ ba: Hình phải ngay ngắn, đoan chính. Nếu “hình” có những dấu hiệu như nghiêng, lệch hoặc vỡ nát thì uế khí sẽ có nhiều cơ hội nảy sinh gây ảnh hưởng không tốt cho nơi kết huyệt.

Điều kiện thứ tư: Hình phải có dạng đẹp, tròn; núi ở phía Minh đường phải nhiều và dày. Chỉ có như vậy thì cát khí mới tụ và có địa điểm để phát huy tốt nhất tác dụng của mình.

Sự cát hung trong hình thế của núi cũng chính là sự cát hung của huyệt. Nói cách khác, sự cát hung của huyệt hoàn toàn phụ thuộc vào sự cát hung trong hình thế của núi. Hình thế của núi, của huyệt có tốt đẹp thì con người cũng sẽ tốt đẹp. Dù người chết được táng tại nơi đá thô hiểm ác, nơi trũng sâu, ngọn núi đột ngột nhô cao, nơi đá bóc tách thành từng lớp, nơi ngọn núi cô đơn hay tản mát,… đều có thể tiềm ẩn những nguy cơ gặp nhiều điểu hung hại bất ngờ. Xét về đặc điểm cát hay hung trong hình dạng của núi, sách “Táng kinh” có đoạn viết: “Nếu phía sau của ngọn núi có dạng như một bức bình phong đứng chắn thì pháp táng sẽ dừng lại, các bậc Vương hầu xuất hiện;

(st)

GIỮA ‘THẾ” VÀ “HÌNH”, PHONG THỦY HỌC COI TRỌNG YẾU TỐ NÀO HƠN?

0

GIỮA ‘THẾ” VÀ “HÌNH”, PHONG THỦY HỌC COI TRỌNG YẾU TỐ NÀO HƠN?

Trong Phong thủy học, “thế” là từ chỉ các hình thái, thế cục hiển hiện liên tục của Long mạch sau khi bắt nguồn từ nơi khởi đầu và đi đến Huyệt trường. Xét trong mối quan hệ tương giao với hình thì hình ở gần mà thế lại ở xa, hình nhỏ còn thế lớn. Muốn nhận biết tường tận về hình, trước hết cần quan sát thế một cách thật cẩn thận, tỉ mỉ.

Trong cuốn “Quản thị địa chỉ chỉ mông – Cửu Long tam ứng đệ cửu thập bát”, phần “Tìm Long mạch, trước hết phân ra thành 9 dạng thế” có đoạn viết:

Hình thế cuộn khúc, hướng về phía Tổ sơn, giống như là con rồng đang quay lại liếm phần đuôi của mình hoặc như con hổ đang quay đầu nhìn về phía xa xăm; dạng hình thế này được gọi là Hồi long.

Hình thế rất nổi bật với nhiều vết tích hiện ra rõ ràng, như thú dữ rời khỏi khu rừng rậm rạp, hùng vĩ nhưng u tịch, lại như một con thuyền hiên ngang vượt sóng nước giữa trùng khơi thì được gọi tên là Xuất dương long.

Hình thế thẳng đứng, cao sừng sững và đẹp thanh thoát được gọi là Giáng long.

Hình thế bao bọc, từng chi tiết đều đẹp như con rết đang xòe chân, như tơ hồng vương vít trên dây mây được gọi là Sinh long.

Hình thế phóng khoáng như con chim ưng đang giang rộng đôi cánh bay lượn trên bầu trời, lại như chim Phượng hoàng đang múa được gọi là Phi long.

Hình thế có dạng như hổ đang ngồi chờ mồi, như trâu khép mắt ngủ được gọi là Ngọa long.

Hình thế hào hừng, bên trong mạch rộng, thì được gọi là Ẩn long.

Hình thế cao và xa, rộng rãi, có dạng ngửa lên trời như nắp giếng, lộ ra Kim Bàn thì được gọi tên là Đằng long.

Hình thế ôm vòng như bầy hươu, bầy cừu đang chạy thành vòng tròn, như đàn cá bơi hay như bầy chim bồ câu tung cánh thì được gọi tên là Lĩnh quần long.

Khi không xét cụ thể đến các dạng Long như trên, nếu chỉ xét yêu cầu tổng thế đối với “thế”, trong cuốn “Táng kinh dực” nổi tiếng có đoạn viết: “Thế cần đến chứ không cần đi, cần rộng lớn chứ không nhỏ hẹp, cần mạnh mẽ chứ không yếu đuối, cần có sự khác biệt chứ không bình thường giản đơn, cần hướng về một phương nhất định chứ không cần sự phân tán hay tản mát, cần nghịch chứ không cần thuận”. Thế đến thì sinh khí cũng theo đó mà đến, thế lớn mạnh thì sinh khí cũng thâm hậu, thế không tản mát và phân tán thì khí cũng không tán loạn. Thế cần có sự khác biệt và bay bổng, sinh động, đầy sức sống.

Vì vậy, để tìm được huyệt tốt ở trên đất, trước hết cần xác định được thế của Long mạch. Trước đây, các thầy phong thủy cho rằng huyệt là do trời sinh ra. Đã có sinh tồn chi long thì phải có sinh thành chi huyệt. Để có huyệt tốt trước hết phải xem chân long. Khi xem đất, điều quan trọng là chọn huyệt; khi chọn huyệt, điều quan trọng là xem xét long, chân long tất huyệt kết. Tiếp đến là xem Minh đưòng Long Hổ (mảnh đất trước huyệt, núi vây quanh, sông suối, sinh khí tụ hợp), Thủy khẩu và La thành (nơi nước chảy vào và chảy ra) phải đạt được dáng vẻ oai phong. Sơn thủy hướng về đầu là huyệt thật, quay lưng lại là huyệt giả. Tạ Hữu Khanh trong “Thần bảo kinh” viết: “Đất huyệt tựa như đất mà không phải đất, đất phải có hoa văn chằng chịt, đất tơi vụn thì chân dương không ở”. “Táng kinh dực” cũng có nhận định “Sơn dừng mà khí tụ gọi là huyệt”. Huyệt được chia làm 4 loại: phú, quý, bần, tiện. Có mười huyệt phú và mười huyệt hèn. Bên cạnh đó, cũng có cách lấy tên sự vật để gọi tên huyệt, huyệt tốt có: cổ rắn, vai rùa, cánh hạc, cánh loan, càng tôm hùm, càng cua, vú bò khỉ nằm, vòi voi cuộn lại, mang cá, bướu lạc đà, lẫy nỏ, xoáy nước, vết hằn trên thân cây, bàn tay bịt miệng hổ, bàn tay để ngửa. Huyệt nông thì đất mỏng, kiến dễ dàng xâm nhập, huyệt sâu thì đất sâu nước dễ thấm vào bên trọng. Vì vậy, huyệt cần có độ nông sâu vừa phải để thích hợp xử lý theo tình hình cụ thể. Huyệt tuy ở núi nhưng họa phúc thì ở nước,…” Từ những nhận định trên, ta có thể thấy rằng việc chọn thế đất đẹp để định nơi kết huyệt là vô cùng quan trọng.

Có thế rồi mới có hình, có hình rồi mới có đến huyệt. Chỉ khi tìm được Chân long Chân huyệt để an táng cho ông bà tổ tiên thì lớp lớp con cháu mới được hưởng phúc ấm mà tổ tiên để lại. Ngược lại, nếu không tìm được huyệt tốt mà lập huyệt ở nơi ác long, hung thế thì con cháu không những không được hưởng phúc mà còn phải gánh chịu rất nhiều tai họa nặng nề. Sách “Táng thư” có đoạn viết: “Thế như vạn mã từ trên trời dẫn xuống, là nơi táng của các bậc vương giả. Thế như sóng lớn núi non trùng điệp, là nơi táng của thiên thừa. Thế như giáng long nước vòng mây lượn, là nơi táng tước lộc tam công. Thế như nhà cửa san sát, cây cỏ xanh tươi, táng khai phủ kiến quốc. Thế như con rắn đang ngạc nhiên uôn khúc đúng là nhà của bậc Thiên quốc”

(st)

HỎI ĐÁP VỀ ĐẤT BÌNH DƯƠNG (PHẦN 2)

0

– Lại hỏi: Giả như ở vùng Bình dương khoáng dã, long đã ly tổ rất xa, phần nhiều là cách giang, cách hà lại không thấy tông tích gì làm đích xác! Người này nói là ở phương đông lại, người kia bảo là ở đằng tây đến, như thế thì lấy cái gì mà biết là thuận với nghịch?

– Đáp: Một phiến đất rộng lớn sơ khởi, thô ngạnh, không có chi cước nhỏ phân ra mà thuận thành một độ trình, không đứt quãng, quá độ mới lần lần kết thúc hẹp nhỏ lại, hình như cái cổ họng, cái hầu mà có chi cước phân ra, ôm quay lại, thấy có thủy hoàn bão hình như ngọc đới sa, hoặc như kim thành thủy chiền hộ, hoặc cao, thấp chỉ hơn nhau thước, tấc ít nhiều, kết ở chỗ thủy khẩu, thời là cái đất Thượng thủ bình thản; nhân chỗ bình thản ấy mà phát tổ, rồi thuận chiều đi ra mà kết huyệt thì gọi là thuận kết.

Như hạ thủ (phía tay dưới) ngoan thản (rộng lớn, thô ngạnh) không có chi cước hỗ trợ, mà nghịch hành (đi ngược) một độ trình (một quãng đường) mới thấy có chi nhánh nhỏ như chân, tay thò ra, ôm ngược trở lên, lần lần kết thúc nhỏ lại cũng như kể ở trên. Tới chỗ bố cục, sa, thủy phân ra, ôm lại và thấy khai diện kết huyệt thì gọi là nghịch kết.

Cho nên kết huyệt ở chỗ thủy khẩu gọi là thuận kết; kết huyệt ở chỗ phân thủy gọi là nghịch kết.

Sách của Dương Công thì cao diệu

Sách của Lưu Công thì tinh thục!

Mịch Sư học phép của Lưu Công; Lưu Công đã lấy địa làm long thì Mịch Sư đâu có phản lại mà chẳng lấy địa làm long?

– Lại hỏi: Theo phép xem đất thì phải vấn tổ, tầm tông, lại nên biết cả Thạch cốt quá giang hà (mạch đi qua sông) mà “Trùng hưng Doanh trại” (tức là lại khởi Tổ tông nữa). Nếu như câu nói ấy, thời cứ xem ở đằng sau huyệt là biết được cái thuận hay nghịch chứ chẳng cần phải hỏi gì nữa?

– Đáp: Nếu có tông tích mà có thể xét được cao, thấp tìm chẳng khó; nếu ở trong chỗ vi diệu (là nước chỉ nông cạn, sâp sánh tí xíu) thì không thể biết long xuất xứ chỗ nào thì cứ đương nhiên theo hình thế mà xem thuận hay nghịch.

– Lại hỏi: Sợ có huyệt thế mà không có long thế thì như thế nào?

– Đáp: Huyệt là mình, long là Tổ phụ, ở trong thiên hạ này chưa thấy chỗ nào nói: Không có Tổ phụ đẻ ra mà có con cháu bao giờ.

Vậy có kết tác thì biết là có long. Nhưng sợ: Huyệt hảo mà không biết tổ tông quý hay tiện? Thì sao? Đáp: Nếu như con cháu hiển vinh, tức là Tổ tông tự có phước hậu, đâu phải cứ lấy Thánh nhân mới đẻ ra Thánh nhân.

Nhận xét bài vấn đáp trên, là lý luận kỹ càng, xác thực của phép tìm đất ở miền Bình dương.

Nếu thấy rõ kết huyệt, lại thấy rõ cả long lai thì càng hay. nhược bằng chỉ thấy huyệt thôi; không biết long ỏ phương nào lại thì cứ làm, đừng câu nệ như sơn pháp mà bỏ mất đất quý! huyệt hay! thì thật là đáng tiếc! Như những người không biết phép xem đất ở miền Bình dương.

HỎI ĐÁP VỀ ĐẤT BÌNH DƯƠNG (PHẦN 1)

0

HỎI ĐÁP VỀ ĐẤT BÌNH DƯƠNG (PHẦN 1)

– Vấn: Xưa nói ở Bình dương chẳng cần phải hỏi tông tích long, hễ thấy thủy nhiễu là chân long! Nếu bảo chỗ thủy nhiễu làm long thì chỗ đất nào mà không có thủy, mà không phải phân tách sa và cục, thì hết thẩy đều là long à?

– Đáp: Hai dòng nước giáp hai bên long, chảy xuôi dòng xuống dầu mạnh như sóng đuổi nhưng đến chỗ giao nhau, được có sa hội thì định là long, huyệt.

Diệp Cửu Thăng nói: ở miền bình dương, những chỗ phẳng lì một mặt thì không hay kết tác. Đến chỗ có không giới (là chỗ cao, thấp giáp nhau) mà gặp thủy thì mãi thành huyệt. Cho nên lấy chỗ thủy nhiễu làm chân long. Nhưng long có thủy nhiễu, sa cũng có thủy nhiễu mà long thì hữu huyệt, sa thì vô khí. Nếu cứ thấy thủy nhiễu mà nhận là chân long thì là nhầm lắm! không thể nói xiết được.

– Đáp: Lấy chỗ thủy giao, sa hội mới là định long huyệt chứ không phải lấy thủy nhiễu mà nhận là chân long. Tất là thủy nhiễu sa hội, đoàn tụ lại thành cục thì ở trong mới là chân long, mới có huyệt. Còn chỗ có thủy nhiễu nhưng sa không hội, vẫn quay đầu đi thì không thể nhận là chân long được! Tức là không có huyệt.

– Dương Công nói: Cái “không long” ở Bình dương ấy; ý là lấy địa làm Thực, Thiên làm Không, địa phải có Thiên thì mới kết, chứ không phải là bỏ cái Thực, mà chỉ nói cái Không. Sau Mịch Sư lấy cái Không thì thủy nhập (nước vào chỗ trũng), vậy lấy thủy là long cũng như Dương Công nói long vậy.

Ở bình dương có hai cách đi tìm đất;

Một đằng thì đi theo trên mặt đất, tìm đến chỗ gần nước, gọi là thuận cầu; một đằng thì ngồi thuyền theo dòng nước tìm đến chỗ đất đột khởi lên gọi là nghịch cầu.

Lối thuận cầu thì tìm thấy đất khó nhọc

Lối nghịch cầu thì tìm được đất dễ dàng.

Một đằng theo chỗ Thực đi tìm chỗ Không, một đằng theo chỗ Không đi tìm chồ Thực.

Mịch sư lấy Thủy phân chi, cán, để tầm long là cái cách đi tìm mau lẹ chứ không phải lấy cái Thủy làm long.

Xem phép đặt huyệt của Mịch Sư thì đều ỏ chỗ cao khởi, chứ không để chỗ đê bình. Những người không suy xét thì không hiểu được ý vị mà nhận thủy làm long, chực muốn bỏ cái Thổ khí mà thừa cái Thủy khí thì thật là nhầm to! Nếu quả thật thủy là long mà thổ không phải là long thì cứ bỏ hài cốt xuống nước mà táng có được không ? Hà tất phải tìm chỗ đất cao? Tức là phép định cục, biến quái của Mịch Sư, lấy chỗ bên Nam có nước thì gọi là Khảm cục (Bắc). Vậy rõ ràng là lấy địa làm Thể, lấy thủy làm Dụng. Nếu thủy là long mà bên Nam có nước là Ly long thì phải gọi là Ly cục chứ sao lại gọi là Khảm cục? Vậy hai danh từ Thủy long và Không long, chỉ là cái huyền bí, si thuật cho những người u mê, lờ mờ thôi!

– Lại hỏi: Đã lấy thuận thủy làm chủ như, thủy ở phương đông lại mà không có long ở phương tây đến thì sao?

– Đáp: Cái địa khí lưu động, biến hoá cũng như thủy lưu động biến hoá. Nếu y nguyên không định hướng, thì đâu có thấy, đều là thủy thuận lưu mà không có lý nghịch hồi hay sao?

Như cái đại thủy tùy long, chảy về phương đông mà cái tiểu thủy ở trước mặt (huyệt) cũng chảy về phương đông thì gọi là thuận cục.

Nếu cái đại thủy tuỳ long, chảy về phương đông mà cái tiểu thủy ở trước huyệt, chảy về phương tây thì là nghịch cục.

Hai trường phái chính trong phong thủy

0

Hai trường phái chính trong phong thủy

Giang Tây phái: Thuật Phong thủy có hai trường phái lớn. Phái Giang Tây do Dương Quân Tùng đời đường khởi xướng. Họ Dương về cuối đời sống ở Giang Tây, môn đệ của ông phần lớn là người Giang Tây, nên có tên như vậy. Thuyết này lấy hình thế làm chính, tìm nơi khởi đầu và kết thúc của sơn mạch, thủy lưu; lặn lội phát hiện hình mạo hướng bối của long hổ triều ứng, để định huyệt vị tọa hướng, chú trọng quan sát hình dạng sơn loan thủy đạo, nhấn mạnh sự phối hợp long, huyệt, sa, thủy. Còn gọi là phái Loan đầu. Thuyết này về sau hình thành nên lý luận Hình pháp. Phái Giang Tây với Dương Quân Tùng là tổ sư, lần lượt truyền cho Tăng Văn Thuyên, Lại Văn Tuấn, Ngô Cảnh Loan, Mục Vũ. Trước tác của phái này hiện còn rất nhiều, tiêu biểu là Hám long kinh, Nghi long kinh, Thập nhị trượng pháp của Dương Quân Tùng, Táng thư người đời Tống mượn danh Quách Phác, Thôi quan thiên của Lại Văn Tuấn. Lý luận của phái Giang Tây chú trọng quan sát giới tự nhiên, tiến hành tồng kết qui nạp rất nhiều hình thế sông núi, kết tinh nhiều kinh nghiệm hợp lí. Thuyết này lấy âm trạch làm chủ, dương trạch thường mượn dùng các thuyết của âm trạch, song vẫn chú trọng đến hình dáng của nhà ở và sự phối hợp về hình thức trong không gian. Phái Giang Tây từ đời Đường Tống trở đi, lưu truyền khá rộng, đời Minh, Thanh có sút giảm, nhưng vẫn được xã hội tiếp thu rộng rãi, có ảnh hưởng rất sâu rộng.

Phúc Kiến phái: là một trong 2 trường phái lớn của thuật Phong thủy. Thuyết này khởi đầu sớm nhất ở Mân Trung (Phúc Kiến), nên có tên gọi như vậy. Đến Vương Cấp thời Nam Tống thì rất thịnh hành Trường phái này chủ yếu căn cứ vào cái lý của âm dương ngũ hành, bát quái, cửu tinh, Hà Lạc mà tính toán. Nhấn mạnh âm sơn âm hướng, dương sơn dương hướng, để xác định quan hệ sinh khắc, phán đoán cát hung. Do phái này chú trọng tìm hiểu nguyên lý trạch pháp, dương trạch chia ra 24 lộ, phân biệt âm dương, xác định hưu cữu (cát hung); âm trạch cũng thường luận về cát hung của tọa hướng, chủ yếu sử dụng cách phán đoán trừu tượng là chính, chứ không quan tâm nhiều đến hình dáng cụ thể của nhà, đất, sông núi. Phái Phúc Kiến ít nhân tài, trước tác cũng không nhiều, có chăng thường là mượn tên của người đời trước, khó biết đích xác là của ai. Từ đời Minh Thanh trở đi, phái này suy dần, chỉ lưu truyền rộng rãi ở vùng Chiết Trung, ảnh hưởng kém hơn hẳn phái Giang Tây.

(St)

Hai học thuyết phong thủy: Hình pháp và Lý pháp

0

Hai học thuyết phong thủy: Hình pháp và Lý pháp

Hình pháp:

Là hệ thống lý luận Phong thủy do trường phái Giang Tây đưa ra. Thuyết này lấy hình thế làm chính, cho rằng sinh khí vận hành trong lòng đất, hóa thành hình mà lộ ra bên ngoài, khí vượng mà cát, ắt hình sẽ đẹp đẽ uyển chuyển; khí suy mà hung, ắt hình sẽ thô, xấu. Bởi vậy, có thể căn cứ vào hình mà biết khí, qua đó dự đoán cát hung họa phúc, tìm ra đất tốt. Theo thuyết này, lý luận âm trạch bao gồm 5 yếu tố lớn là tầm long, định huyệt, sát sa, quan thủy, lập hướng, tất cả đều xuất phát từ hoàn cảnh địa hình tự nhiên mà xác định cát hung.

Trên cơ sở đó, tổng kết thành rất nhiều dạng địa hình tự nhiên, là kết tinh vốn kinh nghiệm quí báu của Trung Quốc cổ đại trong việc nhận thức quan sát thế giới tự nhiên. Lý luận dương trạch cũng chú trọng hình dáng và sự phối hợp hình thức của nhà ở, đưa ra rất nhiều hình vẽ và cách thức cố định. Phần lớn khái niệm cơ bản và cơ sở lý luận trong thuật Phong thủy, đều do Hình pháp, đặc biệt do trường phái tiên phong Giang Tây đề xuất và định nghĩa, mà được hậu thế nhất trí thừa nhận.

Thuyết Hình pháp chú trọng lặn lội khảo sát thực địa, miêu tả giới tự nhiên chân thực và sinh động, đầy đủ sắc thái, chứa đựng nhiều nhân tố hợp lý, lại tương đối dễ hiểu, nên được lưu truyền rộng rãi trong xã hội, có ảnh hưởng rất lớn trong xã hội. Trước tác tiêu biểu của thuyết này là: Táng thư, Hám long kinh, Nghi long kinh, Thập nhị trượng pháp, Thanh nang áo ngữ, Cửu tinh huyệt pháp, Ngọc xích kinh, Thôi quan thiên, Thủy long kinh, Dương trạch thập thư.

Lý pháp:

Còn gọi là Lý khí, tức là hệ thống lý luận Phong thủy do phái Phúc Kiến nêu ra. Nó lấy La bàn làm công cụ chính, chú trọng các nguyên lý thuật số như: âm dương, bát quái, can chi, ngũ hành, cửu tinh, Hà Lạc để tổng hợp và phán đoán cát hung, nhấn mạnh phương vị tọa hướng. Ví dụ thuyết Bát trạch trong lý luận dương trạch, phép Đại du niên biến hào, phép Tử bạch phi tinh, phép Tam hợp trạch, Song sơn ngũ hành, phân lớn đều lấy số mệnh của người phối hợp với bát quái, cửu tinh, can chi, ngũ hành mà có được.

Trong Âm trạch, Tam ban đại quái, Nhị thập tứ sơn, Ngũ hành thủy pháp cũng dùng các loại nguyên lý thuật số căn cứ vào phương vị sông núi mà tính toán. Dù là âm trạch hay dương trạch, hầu như không hề đề cập đến yếu tố địa hình. Phương thức và quá trình suy lý rất trừu tượng, phức tạp, rắc rối, huyền bí, đầy tính tư biện. Trước tác về lý luận gồm Bát trạch minh kính, Thanh nang hải giác kinh. Hệ thống lý luận chặt chẽ, kết quả suy lý gắn liền với mức độ tích lũy kinh nghiệm lâu dài, nhiều ít. Lý pháp thịnh hành thời Minh Thanh, nhưng vì tính trừu tượng, huyền bí nên nó không được tầng lớp dưới trong xã hội tiếp nhận.

(st)

- Advertisement -

BÀI VIẾT KHÁC